CHUYỆN BẾP NÚC TRÊN TÀU VIỄN DƯƠNG  

Nấu ăn trên tàu

Đầu bếp phải vận dụng mọi kinh nghiệm, sự khéo léo để “hòa trộn” hương vị, khẩu vị sao cho tất cả các thuyền viên đều ăn được.
Mỗi sáng, khi bình minh trên biển còn chưa ló rạng và các thuyền viên còn say sưa ngủ, những người đầu bếp đã thức dậy chuẩn bị bữa ăn để kịp 6h mọi người trên tàu ăn sáng và bắt đầu ca làm ngày mới.

Cân đong từng loại rau, củ

Đã có nhiều năm nấu nướng phục vụ ở các nhà hàng tiệc cưới nhưng khi xuống tàu làm đầu bếp, Phạm Anh Dũng (Công ty Cổ phần Tập đoàn Sumaser - DHT) vẫn không khỏi bỡ ngỡ.

Số lượng người ăn chỉ khoảng 20, nhẹ nhàng hơn nhiều so với tiệc cưới nhưng bài toán “cân não” chính là tính toán lượng thực phẩm sao cho đủ trên hải trình hàng tháng trời.

Dũng kể, phải mất một thời gian học hỏi từ những người đi trước mới có được kinh nghiệm để giải “bài toán” này.

Sau khi nhận danh sách thực phẩm mà thuyền trưởng cung cấp, đầu bếp sẽ tính khối lượng thực phẩm cần dùng cho một bữa, sau đó nhân lên với số ngày tàu hành trình. Đôi lúc, anh phải mua thêm thực phẩm để tránh bị hỏng.

Một trong những kinh nghiệm mà Dũng có là chủ yếu sử dụng các loại củ quả như: Khoai, bí xanh, bí ngô… để bảo quản được lâu hơn các loại rau lá.

Do rau chỉ để được khoảng hơn 1 tháng nếu bảo quản tốt nên những tuyến chạy gần, anh sẽ lấy thêm rau xanh. Trường hợp tàu chạy khoảng 2 tháng, sẽ chỉ lấy khoảng 1 tháng rau xanh và tăng lượng củ quả.

Ngoài ra, từng đi sang các nước châu Âu, châu Mỹ nên Dũng phát hiện ở nhiều nước có ít rau xanh, thực phẩm cũng không hợp khẩu vị của người Việt.

Do đó khi tàu ghé vào các nước Đông Nam Á, anh sẽ tranh thủ mua nhiều loại thực phẩm để cấp đông, phòng đi các nước khu vực khác không có.

Dũng nhớ cách đây hơn 1 năm, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tàu của anh ghé vào cảng ở Chile nhưng thuyền viên không thể vào cảng nên không vào cấp rau được, lại chỉ còn một số củ quả.

“Bình thường, bí nấu cả 1kg cho một bữa nhưng lúc đó lại phải cân đong để nấu được 2 bữa”, Dũng kể.

“Phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vì thiếu 1 củ hành cũng không biết xin ở đâu”, đó là chia sẻ của anh Ngô Quang Mến (Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng). Anh Mến nhận định, không phải ai làm bếp trên bờ cũng đi tàu được.

Ngoài khả năng ước tính lượng thực phẩm, còn phải biết cách chọn những loại thực phẩm đủ dinh dưỡng cho thuyền viên, biết cách chế biến, bảo quản và an toàn vệ sinh thực phẩm trên tàu.

Gần 20 năm đi tàu, anh Mến chưa bao giờ để xảy ra tình huống bị thiếu thực phẩm. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cảng biển không cho thuyền viên lên bờ, tàu lại phải neo lâu nên đầu bếp gặp khó khăn trong việc bổ sung lương thực.

Những lần đó, anh luôn lấy nhiều hơn lượng thực phẩm cần có ngay từ ban đầu.

Cũng có lần, tàu của anh Mến cập một cảng của Trung Quốc khi nước này vẫn đang áp dụng chính sách Zero Covid.

Phải mua bổ sung thực phẩm, anh đã liên lạc trước với một đại lý trên bờ. “Họ không cho bất cứ thuyền viên nào lên bờ. Các thực phẩm sẽ được buộc vào dây, được khử khuẩn cẩn thận rồi tới khi tàu rời bến, thuyền viên mới được thò ra cẩu rau lên”, anh nhớ lại.

Lắm “mẹo” và khéo léo cư xử

(Không gian bếp núc trên tàu luôn phải đảm bảo sạch sẽ để đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm)

Suốt tháng lênh đênh trên biển, thuyền viên trên các con tàu viễn dương chỉ ăn đồ đông lạnh. Bởi thế, làm sao để không ngán, đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm lớn của những người đầu bếp.

Đi tàu từ năm 2005, anh Mến đã quá quen với những lần trong tình trạng say sóng, mệt mà vẫn phải nấu ăn khi tàu liên tục lắc lư. Gian bếp chật hẹp, tàu lại chòng chành làm đồ ăn dễ bị sánh ra ngoài nên anh phải lau chùi liên tục.

“Quan trọng nhất là phải sạch sẽ. Nếu thuyền viên ăn vào lâm bệnh mà tàu đang giữa biển khơi, khó có thể giải quyết”, anh Mến cho hay.

Nhưng chưa hết, những ngày biển động, sóng dữ, người đầu bếp của tàu còn phải biết cách cố định nồi niêu, làm sao để không làm đồ ăn bị đổ.

Nói về điều này, đầu bếp Mến cười nói: “Cứ áp dụng kinh nghiệm mà các cụ xưa để lại, đơn giản mà hiệu quả. Tôi hay đặt một chiếc đĩa nhựa úp vào nồi canh. Cách này giống như cách úp lá chuối vào thùng nước khi đi gánh nước, để hạn chế việc canh bị sánh ra ngoài”, anh bật mí.

Mới làm bếp trưởng 1 năm và 3 năm làm phục vụ, Lương Phú Hùng (Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK) đã có những trải nghiệm tương tự vào những ngày sóng to gió lớn.

Rút kinh nghiệm sau vài lần bị đổ canh, những ngày sóng lớn, Hùng nấu ít canh hơn so với ngày thường, vừa tránh bị sánh ra ngoài, lại đỡ gây lãng phí.

Vui khi được khen nấu ngon

Hỏi điều gì khó nhất khi là người “cai quản bếp núc” trên tàu, các đầu bếp đều thừa nhận, đó là việc làm hài lòng các “thực khách”.

Với những chuyến tàu viễn dương, có lúc trên tàu chỉ có thuyền viên người Việt, cũng có lúc có thuyền viên nước ngoài. Khẩu vị của mỗi người khác nhau nên đầu bếp phải là người biết dung hòa, sao cho ai cũng có thể ăn được.

Anh Mến thổ lộ, ngay cả khi tàu chỉ có thuyền viên người Việt thì họ lại ở nhiều vùng miền, mỗi người một khẩu vị ăn uống. Người miền Nam thường ăn ngọt, miền Bắc lại ăn mặn, miền Trung lại ăn cay.

“Chưa kể nhiều hôm sóng gió, một số thuyền viên trẻ mệt mỏi không ăn được, nói những câu khó nghe. Tôi phải động viên và nói khéo để không xảy ra cãi nhau”, vị đầu bếp chia sẻ.

“Những ngày sóng to, mình nấu đã vất vả, người ăn cũng không ăn được”, Phú Hùng than thở. Đi tàu lâu, Hùng cũng biết cách kìm chế trước những lời chê bai, phàn nàn của các thuyền viên khác khi ăn, tránh tối đa cãi cọ, xô xát. Tuy nhiên, anh thừa nhận thời gian đầu anh em mới quen nhau rất vui vẻ. Về sau, mọi người chán ăn và “chán nhau” nên lời phàn nàn nhiều hơn.

Bởi thế, Hùng hay sáng tạo những món ăn mới để thay đổi cho mọi người cùng đỡ ngán. Một món thịt đông lạnh, anh cố gắng chế biến thành nhiều món để cả tuần có thể không bị trùng nhau từ luộc, chiên dầu, chiên nước mắm, xào… Với anh, vui nhất là sau khi ăn, các thuyền viên nhận xét: “Ông này nấu được đấy nhỉ!”. “Nghe mà thấy mát lòng mát dạ”, anh vui vẻ.

Đồ ăn chỉ có đồ đông lạnh, quanh đi quẩn lại chỉ có một số loại thực phẩm nên đôi khi khó tránh gây “ngán” cho người ăn. Phạm Anh Dũng còn bị áp lực hơn vì nhiều chuyến tàu anh đi, thuyền viên có cả người Việt Nam, Philippines, Trung Quốc. Anh phải vận dụng mọi kinh nghiệm, sự khéo léo để “hòa trộn” hương vị, khẩu vị sao cho tất cả đều ăn được. “Lắm lúc, tôi nấu riêng đồ ăn cho các thuyền viên nước ngoài, đỡ đau đầu”, anh nói.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các đầu bếp đều cho rằng, làm bếp trên tàu mang tới cho họ những trải nghiệm thú vị. Đó là công việc nên họ đều không ngại khó, ngại khổ để hoàn thành “sứ mệnh” chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho các thuyền viên trên tàu. Dứt câu chuyện, tất cả lại xắn tay để chuẩn bị cho một bữa ăn mới. Mùi hương nước hầm lại phảng phất, thơm lừng một gian bếp giữa đại dương…

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/