Lòng vòng ẩm thực Hải Phòng
Thành phố cảng Hải Phòng không chỉ mang đến cho bạn những địa điểm du lịch thú vị, mà còn có nhiều món ăn thơm ngon khiến bao thực khách phải xiêu lòng. Đến đây, bạn sẽ tận hưởng sự đa dạng từ các món ăn địa phương, những loại đặc sản phong phú từ thành phố Cảng
Hải Phòng cũng tự hào là quê hương của sóng lớn biển khơi với những con người phóng khoáng, mạnh mẽ và rất mực mến khách. Nơi đây mang một hơi thở sống sục sôi, năng động. Cái “chất” Hải Phòng không bao giờ có thể lẫn với nơi khác, đến cả ẩm thực cũng mang một hương vị rất riêng. Có những món ăn dù đi đến bất cứ đâu, cứ nhắc tới là thực khách nghĩ ngay đến Hải Phòng. Điều gì đã làm nên sự đặc sắc, khác biệt của ẩm thực miền đất biển mặn mòi này. Hãy để chúng tôi cùng bạn khám phá điều đặc biệt này nhé!
Sau đây chúng ta cùng điểm danh những món ăn nổi tiếng mà du khách nào cũng muốn thưởng thức khi đến Hải Phòng
Bánh đa cua
Bánh đa cua đúng kiểu của Hải Phòng thì các yếu tố đặc trưng là màu sắc phong phú những nguyên liệu tạo nên món ăn (màu đỏ sẫm của sợi bánh đa, màu nâu hồng của gạch cua, màu đỏ tươi của cà chua, màu xanh của rau rút hoặc rau muống, màu xanh đậm của chả lá lốt, màu vàng của chả viên và hành phi), sợi bánh đa đỏ có độ dai nhưng mềm (sợi bánh không bị nhũn hay nát) và loại tương ớt ăn kèm mà người Hải Phòng quen gọi là "chí chương" cũng thường được chế biến theo cách thức gia truyền thay vì dùng loại tương ớt chế biến sẵn. Có thể ăn buổi sáng hay buổi tối, mùa hè hay mùa đông cũng đều cảm thấy vị ngon. Nhiều người đã so sánh mức độ phổ biến và được ưa thích của bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng như món phở với người Hà Nội, món bún bò với người Huế và món hủ tiếu/hủ tíu với người Sài Gòn.
Nem cua bể
Nem cua bể (cũng gọi là chả nem, nem hải sản) theo đúng cách chế biến kiểu Hải Phòng thường được gói theo hình vuông ngoài cách gói nem phổ biến hình thon dài. Nem cua bể thông thường được ăn với bún, mắm dấm và rau sống. Thưởng thức nem cua bể tốt nhất là sau khoảng 5 phút kể từ khi vớt nem khỏi chảo dầu sôi và để cho ráo mỡ. Cơ bản về nguyên liệu chế biến không có nhiều khác biệt so với chả nem chế biến tại nhiều địa phương của miền Bắc như thịt lợn, tôm, nấm hương, mộc nhĩ, giá đỗ...
Khác biệt ở đây chính là sự có mặt của nguyên liệu cua bể (một nguồn hải sản tương đối dồi dào của vùng biển Hải Phòng), loại bánh đa nem sản xuất theo phương pháp truyền thống của địa phương (cũng như loại bánh đa đỏ dùng trong chế biến bánh đa cua) và cách thức gói nem (gói theo hình vuông, cách thức nhào trộn và thứ tự sắp xếp các thành phần nguyên liệu khi gói nem). Yêu cầu cơ bản ở đây là nem cua bể phải có mùi vị đặc trưng của cua bể sau khi đã chiên rán chín (mùi cua bể không bị hòa lẫn vào mùi vị của các nguyên liệu khác), vỏ nem sau khi rán có màu vàng và độ giòn nhưng không bị cháy cạnh.
Lẩu cua đồng
Một biến thể của món lẩu vốn đã rất quen thuộc với nhiều người sành ẩm thực. Điểm khác biệt của món lẩu cua đồng chế biến theo kiểu Hải Phòng so với nhiều món lẩu thường thấy là một số nguyên liệu đặc trưng dùng trong chế biến như cua đồng, lòng non của lợn (heo), chả cá (chế biến theo kiểu Hải Phòng, thường là từ thịt cá thu) và các nguyên liệu ăn kèm như bánh đa đỏ (loại bánh đa dùng trong món bánh đa cua), rau mùng tơi...
Cơm cháy hải sản
Cũng có thể coi là một biến thể của món cơm cháy Ninh Bình. Về cơ bản, cách chế biến cơm cháy trong món cơm cháy hải sản theo kiểu Hải Phòng không khác với cơm cháy Ninh Bình. Điểm khác biệt chính là ở nguyên liệu và cách chế biến nước sốt ăn kèm với cơm cháy. Nước sốt ăn kèm với cơm cháy Ninh Bình theo truyền thống được chế biến từ nước xào tim cật và nước hầm thịt dê. Trong khi đó, nước sốt dùng trong món cơm cháy hải sản được chế biến từ các nguyên liệu hải sản như tôm, cua, mực, tu hài. Bởi vậy mùi vị của hai món ăn cũng khác nhau.
Bánh mỳ cay
Còn được gọi là bánh mỳ que. Và dù gọi theo cách nào thì cũng nói lên một phần đặc trưng của loại bánh mỳ này. Sở dĩ có tên gọi bánh mỳ que là do hình dạng của chiếc bánh mỳ nhỏ, dài, nằm lọt trong lòng bàn tay và điều quan trọng là độ giòn của bánh mỳ. Còn tên gọi bánh mỳ cay là do vị cay đặc trưng của loại tương ớt ăn kèm cũng giống như loại tương ớt ăn kèm với bánh đa cua. Loại tương ớt này được chế biến theo công thức đặc trưng của địa phương (thường được người Hải Phòng gọi là chíu trương) thay vì dùng loại tương ớt đóng lọ chế biến sẵn. Điểm cơ bản tạo nên vị ngon của bánh mỳ cay (hay bánh mỳ que) theo kiểu Hải Phòng chính là ở cách chế biến pa tê gan, bánh mỳ và tương ớt ăn kèm.
Những món ăn ngon Hải Phòng được nhiều người sành ăn đánh giá là một trong số ít những phong cách chế biến - thưởng thức ẩm thực địa phương đặc sắc (độc đáo, đậm bản sắc vùng miền), đa dạng (phong phú) và tinh tế (thu hút các giác quan khác nhau của thực khách) bậc nhất của Việt Nam. Người Hải Phòng cũng có tiếng là những người kén mùi vị trong ăn uống. Có thể nêu ra một vài ví dụ nổi bật như món nem cua bể, bánh đa cua, bún tôm, bánh bèo, bánh mì cay, pa tê gan, cháo khoái. Dù những nguyên liệu dùng để chế biến các món ăn này ngày nay đều tương đối dễ mua, phổ biến ở nhiều địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, do cách chọn lựa nguyên liệu, kết hợp, chế biến đặc trưng của người Hải Phòng mà chúng trở thành những món ăn không chỉ lôi cuốn về vị giác, khứu giác mà còn cả về thị giác.
Ngoài ra, ẩm thực thành phố hoa phượng đỏ còn vô số món ngon mời gọi như các loại hải sản tươi ngon, gỏi cá thanh mát, nem thính lạ vị…Những món ăn Hải Phòng đều hội tụ đủ hương vị ngọt ngào lẫn mạnh mẽ, mềm mại mà không thiếu phần cay tê quyết liệt, cũng như cốt cách và cá tính nổi bật của người dân đất Cảng.
Món ngon Hải Phòng mang đến cho bạn sự đa dạng về nền ẩm thực của thành phố cảng biển này. Đến đây, bạn sẽ được thưởng thức những món ăn mới lạ chưa từng gặp hay chỉ mới nghe tên qua. Hương vị đặc trưng,cùng với sự thơm ngon chắc chắn sẽ làm bạn phải nhớ đến