Đặc điểm của tàu thuỷ là thường hoạt động tại các vùng thời tiết khác nhau, với các mùa không giống nhau nên việc di chuyển này có ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng kỹ thuật của máy móc và thiết bị. Một số tàu khi khai thác không quan tâm thoả đáng tới vấn đề này nên các sự cố đáng tiếc đã xẩy ra. Để đảm bảo chế độ hoạt động bình thường của máy móc thiết bị, chúng ta cần lưu ý điều chỉnh các thông số phù hợp, nhất là khi tàu chuyển vùng hoạt động từ thời tiết nóng sang thời tiết lạnh. Dưới đây là một số khuyến cáo của các nhà quản lý nước ngoài về vấn đề này:
1 - TRƯỚC KHI ĐI VÀO VÙNG THỜI TIẾT LẠNH (NHIỆT ĐỘ DƯỚI DƯỚI 0 ĐỘ) CẦN LƯU Ý:
- Họp tổ máy để vạch ra phương pháp đối phó khi tàu vào vùng thời tiết lạnh.
- Chú ý kiểm tra kỹ về hâm nhiên liệu, LO và nước làm mát cho máy.
- Có thể chạy thêm máy phát để cung cấp đủ nguồn công suất cho các thiết bị chạy thêm.
- Giữ cho chất lỏng (Dầu, nước) luôn tuần hoàn động trong ống để chống đông cứng .
- Duy trì hơi hâm luôn luân chuyển trong hệ thống phù hợp.
- Một số bơm cần thiết khác có thể duy trì chạy công suất vừa phải.
- Các motor phải được bật ở chế độ hâm- sấy phù hợp.
- Van hút phải điều chỉnh vừa phải để luôn có lượng chất lỏng tuần hoàn trong hệ thống tránh tắc do băng.
- Các cánh bướm gió buồng máy để phù hợp, có thể tắt bớt quạt gió để tránh tổn hao nhiệt cho các thiết bị .
- Chụp ống khói phải lưu ý đóng lại (những máy không chạy) để tránh băng tuyết rơi vào ống khói .
- Đặc biệt lưu ý phải mở van hơi sấy của van thông biển trước khi vào vùng lạnh (Thường hành động này thực hiện trước 48 giờ).
- Các mạch hâm cho các máy : Máy phát sự cố, bơm cứu hoả sự cố, buồng chân vịt mũi (nếu có)... phải bật mở .
- Các bơm sẵn sàng (có thể chạy khi cần-đã được chuẩn bị trước) phải ghi thẻ lưu ý để tránh chạy nhầm các bơm chưa chuẩn bị, làm vỡ đường ống, hỏng thiết bị ...
- Nạp đầy hoá chất chống đông đặc (nếu các tàu có trang bị) với tàu không có khoang cách nhiệt.
- Thay nước cất cho hệ thống ca nô cứu sinh .
- Xả nước cho hệ thống đường ống cứu hoả ,các két vòi phun, phân ly dầu nước, các van xả nước khác .
- Cho hâm các két dầu trực nhật, két lắng.
- Két nhiên liệu nồi hơi phải chuyền đầy và hâm để đảm bảo nồi hơi luôn ở chế độ sẵn sàng đốt cung cấp hơi cho tàu.
- Các motor tời cẩu, neo, tời lái, hệ thống nước làm mát ... có thể duy trì để chạy- cấp ở mức độ vừa phải để tránh tắc băng.
- Một số thiết bị thuỷ lực cần duy trì hâm để không làm đông đặc dầu nhờn thuỷ lực khi khởi động.
- Các thiết bị ngoài trời cần phải che chắn để tránh đóng băng sâu – mật độ nhiều trên thiết bị khi khởi động thiết bị .
2 - KHI TÀU ĐANG CHẠY TRONG VÙNG LẠNH CẦN LƯU Ý :
- Các máy nên duy trì chạy ở công suất khoảng (89-90% nếu có thể ).
- Ngăn ngừa dầu đốt tạo ra ở dạng sáp ong (ở két dầu thường trực và két bơm cứu hoả sự cố).
- Duy trì xả nước liên tục trong hệ thống nước vệ sinh, xả bẩn .
- Tăng cường hơi hâm cho các đối tượng.
- Đảm bảo các ống thông hơi sau đây không đóng băng: Các két balat dầu, nước, thông gió buồng ở, két nước nồi hơi ....
- Kiểm tra để điều chỉnh phù hợp tình trạng nhiệt độ các buồng lạnh và tình trạng hoạt động của chúng (Làm mát phải điều chỉnh phù hợp bằng các van thoát ở sinh hàn - Không điều chỉnh van vào sinh hàn – sẽ làm vỡ các ống phía trên sinh hàn – do thiếu nước làm mát).
- Các máy lọc dầu DO; FO; LO (tuần hoàn các te máy chính) nên để chạy liên tục.
Trên đây là một số ý kiến để chúng ta cùng quan tâm khi khai thác máy móc và thiết bị ở vùng khí hậu lạnh. Máy trưởng và các sỹ quan máy hết sức lưu ý để điều chỉnh kịp thời khi chuyển vùng hoạt động của tàu, đảm bảo hoạt động an toàn-kinh tế – hạn chế tối đa sự cố xảy ra. Có nhiều biện pháp để giảm thiểu các sự cố không đáng có, nhưng biện pháp đầu tiên phải quan tâm tới là: Phải có kế hoạch ứng phó trước một cách chủ động, việc bàn bạc kỹ để tìm ra phương án tối ưu cho toàn bộ thuyền viên cùng tham gia là hết sức quan trọng.
Nguồn: Nguyễn Hữu Trúc – Tổng hợp và dịch từ tài liệu nước ngoài